"Dòng tiền Bất động sản năm 2020" và những thách thức của các doanh nghiệp bất động sản

07/01/2020 616 Đoàn Dương (Doanhnhantrevn.vn)
image-error

 

Tại hội thảo “Dòng tiền bất động sản năm 2020”, các chuyên gia nhận định không chỉ đến năm 2020 các doanh nghiệp bất động sản mới gặp khó khăn và thách thức về dòng tiền đầu tư.

Thực tế ở Việt Nam, quy luật hoạt động của thị trường bất động sản hoàn toàn khác với các nước đang phát triển bởi vì nguồn vốn tại các nước phát triển chủ yếu đến từ thị trường chứng khoán, từ các quỹ đầu tư dài hạn. Đồng thời, tính chất hoạt động của thị trường bất động sản là trung hạn và dài hạn nên rất cần nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi tại Việt Nam, kể cả nhà đầu tư thứ cấp và người tiêu dùng bất động sản đều chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, còn các doanh nghiệp bất động sản thì dựa vào nguồn vốn huy động trước của khách hàng. Từ chỗ đó, các ngân hàng thương mại là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho doanh nghiệp cũng như người mua nhà.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, tỉ trọng huy động vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là vốn tiết kiệm ngắn hạn. Sử dụng vốn tiết kiệm ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn thì tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các ngân hàng thương mại và cả nền kinh tế.

Để hạn chế rủi ro đó, từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã công bố lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản. Đầu tiên trong năm 2016, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng tối đa 60% nguồn vốn tiết kiệm ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Năm 2017 giảm xuống 50%. Năm 2018 giảm xuống 45%. Cho đến nay, theo Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 40% để cho vay trung và dài hạn đến hết ngày 30/09/2020. Và kể từ 1/10/2020 đến 6 tháng sau sẽ giảm dần còn 37%, kế tiếp là 34% và cuối cùng là giảm về mức 30%. Điều này làm cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn.

Bên cạnh đó, Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rất rõ về các khoản dư nợ vay mua nhà, ở mức độ dưới 1,5 tỷ thì mức độ rủi ro 50%, từ 1,5 tỷ đến dưới 4 tỷ thì hệ số rủi ro là 100% và từ 4 tỷ trở lên hệ số rủi ro là 150%.

Tuy nhiên tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước tác động tích cực và lành mạnh bởi nó giúp các doanh nghiệp bất động sản chủ động nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế. Bên cạnh đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã gửi khuyến nghị đến các doanh nghiệp bất động sản để ứng phó với lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản và điều đó phù hợp với quy luật phát triển của thị trường bất động sản hiện nay.

Có thể bạn quan tâm