Kinh nghiệm "mượn tuổi làm nhà"

15/04/2020 603 Trường An (TH)
image-error

 

Khi gia chủ muốn tiến hành xây dựng nhà cửa nhưng lại không được tuổi trong năm đó. Vì thế họ sẽ mượn tuổi của một người khác để khởi công xây dựng.

Theo phong thủy, khi khởi công xây dựng một ngôi nhà thường dựa theo nguyên lý “âm thuận tòng dương”.  Vì vậy, để khởi công xây dựng một ngôi nhà thì nên lấy tuổi của đàn ông để định cát hung.

Làm nhà xem tuổi đàn ông

Trong một gia đình vai trò người đàn ông được xem như trụ cột gia đình, người quyết định các công việc lớn. Do vậy, từ xưa đến nay, đối với những công việc lớn trong gia đình như xây dựng nhà cửa, việc chọn tuổi, ngày lành tháng tốt cũng như hợp hướng thường dựa vào người chủ trong gia đình.

Có thể hiểu rằng, trong phong thủy “khai môn lập hướng” người đứng đầu trong gia đình (ông, cha) mang thuộc tính dương, đóng vai trò như đầu tàu kéo các thành viên gia đình đi theo.

Bởi thế, dân gian luôn có câu “lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông”. Trừ những trường hợp các gia đình không có người đàn ông thì mới lấy tuổi của đàn bà hoặc tốt hơn hết là mượn tuổi để làm nhà.

Kinh nghiệm mượn tuổi làm nhà

Gia chủ nên mượn tuổi của những người quen biết, thân mật hoặc những người họ hàng nội tộc, để mọi chuyện được thuận lợi, dễ dàng hơn.

Khi đã cho người khác mượn tuổi thì tuyệt đối không được cho người thứ hai cùng mượn khi người trước chưa xây dựng xong nhà cửa.

Trước khi mượn tuổi, gia chủ cần phải tìm hiểu thật kỹ, không nên mượn tuổi của những người gia đình đang chịu tang hoặc phạm vào các vận hạn Kim Lâu, Hoang Ốc, Tam Tai.

Không được phép mượn tuổi làm nhà khi chỉ sửa sang lại nhà cũ. Chỉ mượn tuổi khi khởi công xây dựng nhà mới. Nếu như chỉ sửa chữa, dọn dẹp lại nhà cửa mà không động chạm gì đến đất đai thì gia chủ chỉ cần chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành.

Thủ tục mượn tuổi làm nhà

Trước hết, gia chủ phải làm giấy bán nhà cho người mượn tuổi. Lưu ý rằng đây chỉ là giấy tờ tượng trưng để dâng lên thần linh.

Người được mượn tuổi sẽ thay gia chủ làm lễ, khấn vái và tiến hành động thổ.

Tương tự như vậy, khi cất nóc, người được mượn tuổi cũng sẽ thay gia chủ làm các thủ tục như dâng hương và làm lễ.

Khi quá trình xây dựng nhà cửa đã hoàn tất thì cần phải làm lễ nhập trạch (nhập trạch là dọn vào nhà mới). Hai bên làm giấy mua lại nhà để dâng lên thần linh, người được mượn tuổi sẽ bán lại nhà cho gia chủ (với giá mua cao hơn so với giá bán). Lúc này người được mượn tuổi tiếp tục thay gia chủ làm lễ, dâng hương và khấn vái thần linh.

(Nguồn: https://cafeland.vn/xu-huong/kinh-nghiem-muon-tuoi-lam-nha-86713.html)

Có thể bạn quan tâm